Bánh tráng phơi sương Tây Ninh là một món ăn vặt nổi tiếng của Việt Nam. Món ăn này có hương vị thơm ngon, dẻo dai, mềm mịn và được làm từ nguyên liệu đơn giản. Trong bài viết này, Btcouple sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh tráng phơi sương đúng chuẩn.
Bánh tráng phơi sương là gì?
Bánh tráng phơi sương là đặc sản nổi tiếng đến từ thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh. Bánh có dạng hình tròn, màu trắng đục, bề mặt bánh nổi những hạt bong bóng li ti. Bánh có vị mặn nhẹ, và rất mềm dẻo, có thể sử dụng trực tiếp không cần nhúng nước hay nướng lên.
Quy trình làm bánh tráng phơi sương rất kỳ công. Người thợ phải phơi bánh tráng từ tối đến khi sáng sớm để bánh tráng thấm đẫm sương vừa phải. Phương pháp và thời gian phơi sương rất quan trọng, bởi nếu phơi quá lâu, bánh sẽ bị mềm quá, hương vị không được đảm bảo. Do vậy, để bánh đạt độ dẻo và hương vị tốt nhất, người thợ phải thức canh cùng.
Những lợi ích khi tự làm bánh tráng phơi sương tại nhà
Bánh tráng phơi sương là nguyên liệu ngon miệng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn khác. Tuy nhiên, đôi khi sản phẩm lại không đảm bảo chất lượng, khiến món ăn bị giảm vị và thậm chí là ảnh hưởng sức khoẻ. Việc tự làm bánh tráng phơi sương tại nhà sẽ mang đến nhiều lợi ích ưu việt hơn:
- Kiểm soát được chất lượng nguyên liệu: Khi tự làm bánh tráng phơi sương tại nhà, bạn có thể lựa chọn các nguyên liệu chất lượng, an toàn cho sức khỏe.
- Tự do sáng tạo hương vị: Bạn có thể điều chỉnh lượng nguyên liệu và gia vị để tạo ra hương vị bánh tráng phơi sương yêu thích của mình.
- Tiết kiệm chi phí: Chi phí làm bánh tráng phơi sương tại nhà thường rẻ hơn so với mua bánh tráng phơi sương ngoài cửa hàng.
- Tăng tính trải nghiệm: Tự làm bánh tráng phơi sương tại nhà là một trải nghiệm thú vị, giúp bạn gắn kết với gia đình và bạn bè.
Nguyên liệu cần chuẩn bị để làm bánh tráng phơi sương
Nguyên liệu:
- 1kg gạo tẻ: Chọn loại gạo tẻ ngon, sạch sẽ, trắng và không bị pha trộn với bột nào khác để mang lại độ thơm ngon, mềm dẻo cho bánh. Đặc biệt nên ưu tiên chọn gạo mới thu hoạch trong vụ mùa gần nhất.
- 200gr bột mì: Chọn loại bột mịn, sạch sẽ nhằm giúp bánh trở nên mềm dẻo, thơm ngon hơn.
- 4 thìa cà phê muối: Chọn muối tinh, không lẫn tạp chất để tạo độ mặn thanh, không gắt cho bánh cho bánh tráng.
- 800ml nước: Là nước sạch, không bị nhiễm phèn và cần được đun sôi rồi mới cho bột gạo vào.
Dụng cụ:
- Máy xay sinh tố
- Khuôn tráng
- Nồi hấp
- Vỉ tre hoặc lưới phơi
Cách làm bánh tráng phơi sương đơn giản tại nhà
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu và dụng cụ, bạn hãy bắt tay vào làm bánh tráng phơi sương tại nhà theo quy trình sau:
Xay và pha bột bánh
- Vo gạo thật sạch rồi xay thành bột.
- Cho thêm một ít muối để tạo độ mặn vừa phải cho bánh tráng
- Cho thêm bột mì vào trộn thật đều với bột gạo.
- Lọc bột làm bánh tráng qua rây để loại bỏ các cặn bẩn và tạp chất.
- Cho bột nghỉ khoảng 20 phút trước khi đem đi tráng.
(*) Lưu ý: Bột bánh tráng cần được pha loãng vừa phải, không quá đặc cũng không quá loãng.
Tráng bánh
- Bắc một chiếc nồi nước lớn lên bếp, trên mặt nồi bọc một lớp vải dày và sạch.
- Khi nước đã sôi và có hơi nước bốc lên, bạn dùng muôi múc bột tráng mỏng trên tấm vải và thoa cho lớp bột tròn đẹp với độ dày mỏng vừa phải.
- Đậy nắp nồi lại cho đến khi bánh chín.
- Khi bột gạo đặc thành lớp bánh mỏng, bạn dùng đũa hay que tre để lấy bánh ra và trải ra vỉ rồi đem đi phơi.
Phơi nắng
- Phơi bánh dưới trời nắng to khoảng 3 – 4 tiếng đến khi bánh se lại.
- Di chuyển bánh đến chỗ mát và để khoảng 30 phút rồi mới gỡ bánh khỏi vỉ.
- Nếu trời mưa, bạn có thể dùng quạt hoặc máy sấy tóc để sấy bánh tráng.
Nướng bánh
- Nướng bánh tráng trên lò than đến khi bánh có màu trắng đục, không quá chín, hay quá phồng, bề mặt xuất hiện hạt bong bóng li ti thì lấy bánh ra.
(*) Lưu ý: Liên tục xoay bánh nhanh tay để hai mặt bánh se lại thật đều.
Phơi sương
- Chờ buổi tối, khi sương đêm xuống nhiều thì bạn xếp bánh tráng lên vỉ tre và đem đi phơi.
- Canh thời gian phơi bánh thật kỹ, tránh bánh quá ẩm và quá mềm. Khi trời tờ mờ sáng thì lấy bánh vào ngay.
- Lót lá chuối vào bao rồi mới xếp bánh tráng phơi sương lên, như vậy sẽ giúp giữ được mềm và dẻo vừa phải cho bánh.
Mẹo và những lưu ý để làm bánh tráng phơi sương ngon
- Để bánh tráng có màu trắng ngà đẹp mắt, bạn nên cho thêm một chút nước cốt chanh vào bột bánh.
- Khi tráng mỏng bánh, hãy đảm bảo bề mặt vải được căng đều.
- Nên đổ một lượng bột vừa phải cho mỗi lần tráng bánh, tránh quá dư sẽ khiến bánh bị dày.
- Để bánh tráng không bị dính vào vải khi tráng, bạn nên thoa một lớp dầu ăn lên mặt vải.
- Không nên phơi sương bánh quá lâu, sẽ khiến bánh bị mềm quá, ăn mất ngon. Khi nhận thấy bánh đã đạt được mềm, dẻo như mong muốn, hãy lấy bánh vào ngay.
- Nên lật bánh liên tục để hai mặt bánh tráng không bị cháy khi nướng.
Những món ngon làm từ bánh tráng phơi sương
Bánh tráng phơi sương cuốn
Đây là biến tấu nổi tiếng của bánh tráng phơi sương. Bạn có thể cuốn cùng thịt heo luộc thanh đạm, tai heo giòn, bò lá lốt đậm vị. Bất kỳ cách kết hợp nào cũng đem lại hương vị thơm ngon nhờ lớp vỏ bánh tráng mềm dẻo cùng nguyên liệu đa dạng. Bánh tráng phơi sương chuẩn Tây Ninh sẽ được cuốn cùng rau rừng, chấm nước mắm chua ngọt hoặc mắm nêm, vừa lạ miệng vừa hấp dẫn.
Bánh tráng phơi sương muối nhuyễn
Bánh tráng phơi sương muối nhuyễn là món ăn rất được các bạn học sinh yêu thích. Bánh tráng phơi sương dẻo dẻo, không bị cứng kết hợp với vị mặn đậm đà của muối nhuyễn Tây Ninh đem lại hương vị tuyệt vời.
Bánh tráng phơi sương sa tế tắc
Bánh tráng phơi sương sa tế tắc là sự hòa quyện tuyệt hảo giữa sự dẻo dai của bánh tráng, muối tôm mặn mặn, sa tế thơm cay và trái tắc chua thanh. Khi cắn miếng đầu tiên, bạn sẽ cảm thấy vị tê tê nơi đầu lưỡi và càng hấp dẫn hơn nếu bạn thêm một ít hành phi vào.
Bánh tráng trộn Tây Ninh
Bánh tráng rìa phơi sương thường được dùng làm nguyên liệu để trộn cùng với muối nhuyễn, bò khô, hành phi, khô mực, rau răm, trứng cút,… Thành phẩm món bánh tráng trộn phơi sương mang lại hương vị chua, ngọt, cay, mặn và dẻo thơm của bánh.
Các cách bảo quản bánh tráng phơi sương giữ được lâu
Trong túi nilon
Chia bánh tráng thành các phần vừa ăn, lót thêm lớp lá chuối xanh rồi bảo quản trong túi nilon hoặc túi zip đóng kín. Đặt bánh ở nơi thoáng mát, tránh chỗ ẩm thấp, hay nhiệt độ cao để bánh không bị khô, mất đi độ mềm dẻo. Như vậy, bánh sẽ dùng tốt trong khoảng 7 – 10 ngày.
Trong ngăn đông tủ lạnh
Bạn cũng chia bánh trong các túi nilon đóng kín, sau đó bỏ vào ngăn đông tủ lạnh hoặc tủ đông. Không nên đặt gần các thực phẩm có mùi như thịt, cá,… để bánh không bị ám mùi khó chịu. Để bánh trong ngăn đông có thể duy trì chất lượng trong 1 tháng.
(*) Lưu ý: Nếu chỉ dùng 1 túi thì nên hạn chế lấy bánh ra nhiều lần, tránh khiến bánh tiếp xúc với không khí và giảm chất lượng.
Xem chi tiết: Những cách bảo quản bánh tráng phơi sương giữ được lâu
Như vậy, nhà Btcouple đã chia sẻ đến bạn cách làm bánh tráng phơi sương chi tiết tại nhà, từ khâu chọn lựa nguyên liệu đến phơi sương và bảo quản bánh. Bánh cần phải được làm tỉ mỉ và cẩn thận để mang lại hương vị thơm ngon và độ mềm dẻo đặc trưng. Với công thức trên đây, hy vọng bạn có thể thực hiện thành công ngay từ lần đầu tiên nhé!
Bài viết liên quan:
- Bánh tráng phơi sương là gì? Vì sao lại được yêu thích đến thế?
- Cách thưởng thức bánh tráng phơi sương chuẩn vị Tây Ninh nhất
- Giải đáp chi tiết bánh tráng phơi sương bao nhiêu calo?